Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Việt Nam là điểm sáng của khu vực với sự phát triển năng động, ổn định
PHÁT BIỂU
của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm
tại Hội nghị Quốc tế về Kinh tế Đối ngoại
Việt Nam: Ngôi sao đang lên ở Châu Á
(Hà Nội, ngày 8/01/2008)
Thưa Quý vị đại biểu,
Thưa Quý bà, Quý ông,
Tôi rất vui mừng được đến dự Hội nghị Quốc tế về Kinh tế Đối ngoại này, một sự kiện rất có ý nghĩa trong những ngày đầu tiên của năm 2008. Trước hết, xin chúc Quý vị đại biểu một Năm Mới hạnh phúc và thành công. Nhân dịp này, tôi cũng đánh giá cao sáng kiến của Economist Conferences thuộc tập đoàn truyền thông của Anh quốc “The Economist” - một trong những tạp chí kinh tế uy tín nhất trên thế giới - đã phối hợp với Báo Thế giới và Việt Nam tổ chức Hội nghị quan trọng này.
Thưa Quý vị,
Hơn 3 thập kỷ trước, Việt Nam được thế giới nhắc đến như một biểu tượng về lòng khát khao độc lập, tự do và thống nhất. Ngày nay, Việt Nam lại nổi lên là điểm sáng của khu vực với sự phát triển năng động, ổn định, hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế-chính trị toàn cầu, là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư-kinh doanh và khách du lịch quốc tế.
Có thể nói, năm 2007 vừa qua đã chứng kiến nhiều sự kiện cho thấy lòng tin của bè bạn quốc tế đối với Việt Nam là đúng đắn. Đầu năm, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); cuối năm, được bầu là Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu bầu rất cao. Hai sự kiện quan trọng này đã thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với một đất nước Việt Nam đổi mới và hội nhập thành công, đồng thời đánh dấu quá trình hội nhập đầy đủ của Việt Nam vào sân chơi kinh tế và chính trị toàn cầu.
Bên cạnh đó là một loạt những thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP đạt 8,5% - mức cao nhất trong 10 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 20,3 tỷ đôla Mỹ, kim ngạch xuất khẩu gần 50 tỷ đôla, các nhà tài trợ cam kết trên 5,4 tỷ đôla v.v... Thăm Việt Nam vào tháng 8/2007, Chủ tịch Ngân hàng thế giới Robert B. Zoellick đánh giá sự tăng trưởng của Việt Nam là sự “tăng trưởng hòa nhập” (inclusive growth), hàm ý những thành quả tăng trưởng cao đã thực sự lan tỏa rộng khắp, hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo của một lực lượng đông đảo người dân. Đúng như vậy, với hơn 40 triệu dân thoát khỏi đói nghèo, Việt Nam đang đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trên thế giới, là hình mẫu trong việc thực thi các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Đó là kết quả của hơn 20 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế thành công, với đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa trên tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thưa Quý vị,
Chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng, chặng đường phía trước còn rất nhiều chông gai để có thể vươn lên trở thành một nước công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Những thành tựu kể trên là rất có ý nghĩa, nhưng chỉ là tiền đề để bước tiếp. Để xác định rõ vị trí của Việt Nam trên bản đồ kinh tế-chính trị toàn cầu, chúng ta cần đặt Việt Nam trong bức tranh toàn cảnh khu vực và quốc tế để không chỉ nhận rõ các điểm mạnh, ưu thế cạnh tranh mà cả những yếu kém cần khắc phục trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Có thể nói, điểm mạnh hữu hình của Việt Nam là có một vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động nhất thế giới, có nền an ninh chính trị ổn định, một chính phủ năng động, cầu thị và cam kết mạnh mẽ đối với công cuộc cải cách và hội nhập, có cơ cấu lao động trẻ chiếm hơn nửa dân số 85 triệu người, trình độ dân trí tương đối cao và tiếp thu tri thức mới rất nhanh, đặc biệt là công nghệ thông tin viễn thông (ICT), nguồn tài nhiên thiên nhiên khá phong phú, khu vực tư nhân phát triển rất nhanh v.v...
Điểm mạnh vô hình của chúng tôi là lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước hào hùng, một nền văn hóa đậm đà bản sắc Á đông, một dân tộc có lòng yêu nước nồng nàn, truyền thống quật cường chống ngoại xâm, song cũng rất đỗi vị tha, trọng nghĩa tình, thuỷ chung với bạn bè, có ý chí vươn lên mạnh mẽ, luôn hướng tới tương lai... Đó là chỗ dựa vững chắc để dân tộc Việt Nam vượt qua nhiều thử thách trong chiến tranh và hiện nay tự tin vững bước hội nhập quốc tế.
Tuy vậy, Việt Nam cũng phải nỗ lực rất lớn để khắc phục những yếu kém, bất cập của nội tại nền kinh tế.
Trước hết là mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam khá cao nhưng còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ở thời kỳ đầu công nghiệp hóa. Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng còn thấp do vẫn dựa trên sự phát triển theo chiều rộng, dựa trên các ngành và sản phẩm truyền thống, công nghệ thấp, tiêu hao nguyên liệu cao. So với các nước khác trong khu vực, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của Việt Nam vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Nguồn nhân lực dồi dào nhưng chất lượng chưa cao. Chất lượng quản trị quốc gia mặc dù đã được cải thiện hơn trước nhưng còn một số hạn chế. Nạn tham nhũng, quan liêu, tình trạng kém hiệu quả trên một số mặt vẫn tồn tại. Chính do những yếu kém này mà theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín, Việt Nam đứng sau các nước trong khu vực về năng lực cạnh tranh toàn cầu, cạnh tranh tăng trưởng (GCI) và cạnh tranh kinh doanh (BCI) v.v...
Thưa Quý vị,
Chúng tôi nhận thức rõ rằng những yếu kém đó cùng với những thay đổi nhanh chóng, bất định của quá trình toàn cầu hóa và sự cạnh tranh gay gắt của giai đoạn sau khi gia nhập WTO đang tạo ra thách thức rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Do đó, để tiếp tục phát triển vị thế cạnh tranh vững chắc trong môi trường toàn cầu và bảo đảm sự phát triển kinh tế bền vững, chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và thế giới. Chính phủ chúng tôi quyết tâm thực hiện một số quan điểm phát triển chiến lược trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt với những cơ hội và thách thức đan xen như sau:
Nhân tố thời đại: cần đặc biệt quan tâm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển kinh tế trong nước, xác định và phát triển lợi thế so sánh để tạo dựng một chỗ đứng riêng, trở thành một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhân tố bền vững: kết hợp tăng trưởng kinh tế nhanh với bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng, dân chủ và gắn kết; đồng thời đảm bảo ổn định chính trị, an ninh và an toàn cho cuộc sống.
Nhân tố hiện đại: phát triển phải trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, lấy giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ làm nền tảng.
Nhân tố khoa học: mọi chiến lược phát triển cần được xây dựng trên cơ sở khoa học vững chắc, các số liệu điều tra kinh tế-xã hội cụ thể...Đồng thời, cần có tư duy vượt trước, đánh giá đúng và dự báo chính xác các xu thế phát triển hiện tại và tương lai của thế giới để điều chỉnh nền kinh tế, “đi tắt đón đầu” nhằm bảo đảm và thúc đẩy vị thế cạnh tranh trong môi trường toàn cầu.
Thực hiện được những quan điểm phát triển chiến lược như vậy đòi hỏi một sự thay đổi lớn lao trong tư duy và sự vận hành các hoạt động kinh tế ở mọi cấp độ từ trung ương tới địa phương, ở mọi ngành, mọi lĩnh vực, và mọi thành phần kinh tế. Trên thực tế, bản thân Chính phủ chúng tôi đang tự đổi mới để đáp ứng với đòi hỏi của tình hình mới. Trước hết, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống chính sách, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, chống tham nhũng, quan liêu. Chính phủ cũng rất quyết liệt trong việc sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, khắc phục sự chồng chéo, kém hiệu quả trên tinh thần chuyển mạnh từ thiên hướng “quản lý” sang nhiệm vụ “phục vụ” người dân và doanh nghiệp là chính.
Bên cạnh đó, chúng tôi rất coi trọng vai trò của các đối tác bên ngoài, đặc biệt là các thiết chế quốc tế và các doanh nghiệp nước ngoài. Hội nhập là nói đến việc tuân thủ luật chơi chung, chúng tôi xác định việc thực hiện nghiêm túc các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới là tiêu chuẩn để cải cách và đổi mới chính sách, thể chế và luật lệ trong nước sao cho phù hợp với luật lệ và quy định quốc tế, giảm thiểu chi phí giao dịch và tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Hội nhập là nói đến vai trò “ngoại sinh tích cực” (positive externalities) của các doanh nghiệp, trong đó có vai trò tích cực của doanh nghiệp nước ngoài không chỉ trong việc tạo việc làm, chuyển giao công nghệ, vốn, tiếp cận thị trường thế giới và trình độ quản lý tiên tiến mà còn chia sẻ những ý tưởng mới, tư duy mới để chúng tôi có thể tiếp thu có chọn lọc cho sự phát triển của đất nước phù hợp với xu thế của thời đại.
Với mong muốn đó, trên tinh thần cầu thị và vì lợi ích chung (win-win), chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư và kinh doanh trong và ngoài nước hãy cùng hợp tác với chính phủ Việt Nam để không ngừng cải thiện và cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam. Chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để bảo đảm sự thành công của các doanh nghiệp. Bởi lẽ, thành công của các doanh nghiệp cũng là thành công của chính phủ và người dân Việt Nam.
Thưa Quý vị,
Với quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, cùng với sự ủng hộ và hỗ trợ thiện chí của bạn bè quốc tế, Việt Nam tin tưởng sẽ hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, qua đó khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ kinh tế-chính trị thế giới cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế khu vực và toàn cầu.
Cuối cùng, tôi xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp. Hy vọng rằng Hội nghị sẽ trở thành một hoạt động đối thoại và trao đổi cởi mở thường xuyên, góp phần hỗ trợ việc hoạch định chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam cũng như cung cấp thêm thông tin về những cơ hội kinh doanh và đầu tư ngày một mở rộng ở Việt Nam cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Chúc Tạp chí The Economist và Báo Thế giới và Việt Nam ngày một phát triển và tiếp tục có những hoạt động hợp tác có ý nghĩa trong tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn Quý vị./.