Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng phúc: Mở cửa cho các cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam
BÀI PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỎNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ VÕ HỒNG PHÚC
TẠI HỘI NGHỊ KINH TẾ ĐỐI NGOẠI
“VIỆT NAM – NGÔI SAO ĐANG LÊN Ở CHÂU Á”
Kính thưa Thủ tuớng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng,
Thưa Quý Bà, Quý Ông,
Tôi rất vinh hạnh đuợc tham dự Hội nghị Kinh tế đối ngoại quan trọng này và đây là cơ hội tốt để để Tôi có thể trình bày một số nội dung xung quanh Chủ đề “Mở cửa cho các cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam“.
Trong hơn 20 năm thực hiện công cuộc Đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế không ngừng được củng cố và tăng cường. Ngay trong năm 2007, năm thứ hai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường và phát triển bền vững.
Trong năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 8,5 %, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản được bảo đảm, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế một cách ổn định. Đầu tư phát triển của nền kinh tế tăng cao, chiếm hơn 40% GDP và tăng hơn 16% so với năm ngoái, nhiều công trình cơ sở hạ tầng và sản xuất được đưa vào sử dựng, tạo tiền đề quan trọng để phát triển đất nước trong những năm tiếp theo. Lĩnh vực xã hội đạt đuợc những tiến bộ rõ rệt với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18% năm 2006 xuống còn khoảng 14% năm 2007. Y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và giáo dục và đào tạo tiếp tục có những bước cải thiện quan trọng. Công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và quản lý chất thải.
Thưa Quý vị đại biểu,
Mở cửa đất nước để đón nhận những luồng gió mới nhằm chấn hưng nền kinh tế là chủ trương xuyên suốt trong công cuộc Đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Một năm ngay sau khi tiến hành công cuộc Đổi mới, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài (FDI), tạo lập môi trường pháp lý để huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Sau đó 7 năm, vào năm 1993, khi điều kiện đã chín muồi, Việt Nam đã nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế và tiếp nhận nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Nguồn vốn này cùng với nguồn vốn FDI đã tạo thành các kênh vốn đầu tư từ bên ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
Đối với nguồn vốn FDI, trong thời kỳ 1988 – 2007 (tính cuối năm 2007), cả nước đã có hơn 9.500 dự án FDI được cấp giấy phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 98 tỷ USD (kể cả vốn tăng thêm). Trừ các dự án hết thời hạn hoạt động và giải thể trước thời hạn,hiện có hơn 8.590 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 83 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt trên 43 tỷ USD, chiếm hơn 52,2% số vốn đăng ký. Hơn 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có các hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Cơ cấu vốn FDI hỗ trợ đắc lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam, tập trung cho công nghiệp và xây dựng (68,6% vốn thực hiện); Dịch vụ (24,5% vốn thực hiện) và Nông lâm nghiệp (6,9% vốn thực hiện). Vốn FDI đã lan đến tất cả các tỉnh và thành phố, kể cả những địa phương nghèo, còn chậm phát triển như Điện Biên, Lai Châu, Đắc Nông,…Vốn FDI đã đóng góp 18% tổng vốn đầu tư toàn xã hội tạo ra hơn 1,2 triệu việc làm trực tiếp, góp phàn chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng lực sản xuất, chuyển giao công nghệ...
Cùng với nguồn vốn FDI, trong thời gian qua Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của khối doanh nghiệp trong nước, nhất là khu vực dân doanh và đây là nét nổi bật trong phát triển đầu tư ở Viêt Nam. Chỉ tính riêng khu vực dân doanh, các doanh nghiệp đã đóng góp hơn 40 % GDP và 29 % tổng kim ngach xuất khẩu của cả nước. Khu vực này luôn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 18%/năm và đóng góp hơn 14 % tổng thu ngân sách Nhà nước.
Đối với nguồn vốn ODA, Việt Nam hiện có trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đang hoạt động. Tổng giá trị ODA cam kết của các nhà tài trợ cho Việt Nam trong thời kỳ 1993-2007 đạt trên 42 tỷ USD với mức cam kết năm sau cao hơn năm trước và đạt con số kỷ lục trên 5,4 tỷ USD trong năm 2007. Mức cam kết cao đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước ta, coi Việt Nam là địa chỉ đầu tư đáng tin cậy. Trong số vốn ODA cam kết, 45% đã được giải ngân tạo ra nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng như phát triển hệ thống đường giao thông, năng lượng điện, cấp thoát nước,…tạo điều kiện để thu hút các nguồn vốn đầu tư khác như FDI, đầu tư trong nước,…
Thưa Quý vị đại biểu,
Cơ hội phát triển dành cho mọi quốc gia. Song cơ hội đến và có thể tuột khỏi tầm tay nếu như quốc giá đó không biết chớp lấy và nhân lên để tạo ra xung lực cho sự phát triển.
Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam trỗi dậy nhờ thực hiện chủ trương Đổi mới sau một thời gian dài lâm vào khủng hoảng trầm trọng, Chính phủ Việt Nam đã kiên trì thực hiện lộ trình cải cách luật pháp tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi thành phần kinh tế, trong đó điều đặc biệt có ý nghĩa quan trọng là Việt Nam coi đầu tư trực tiếp nước ngoài là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế đa thành phần. Sự thay đổi về tư duy và nhận thức này chi phối toàn bộ hành vi ứng xử đối với đầu tư nước ngoài.
Từ một Luật Đầu tư nước ngoài áp dụng riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả những quy định phân biệt đối xử giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, từng bước Việt Nam hoàn thiện hệ thống luật pháp và tiến đến ban hành trong năm 2005 một bộ Luật Đầu tư thống nhất áp dụng chung cho cả đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Luật này Việt Nam đã tạo ra một môi trường đầu tư bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường đối với tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Luật Đầu tư và các quy định của Chính phủ cam kết không quốc hữu hoá và trưng thu tài sản của nhà đầu tư (trừ trường hợp vì lợi ích công cộng, song có bồi thường công bằng, thoả đáng), bảo đảm nguyên tắc mở cửa thị trường trong các ngành sản xuất và dịch vụ phù hợp với lộ trình quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó có các cam kết của Việt Nam khi ra nhập WTO. Thí dụ, dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam cam kết cho phép nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm nước ngoài được thành lập công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO và được quyền cung cấp các dịch bảo hiểm bắt buộc kể từ ngày 01/01/2008,…Nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư chiến lược nói riêng thường nhìn xa trông rộng, không chỉ vì những lợi ích trước mắt mà họ muốn làm ăn lâu dài, do vậy những cam kết lộ trình như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2005 là một Luật duy nhất áp dụng chung cho cả các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây thật sự là bước đột phá cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn loại hình doanh nghiệp để kinh doanh dưới sự bảo trợ của Luật này. Điều quan trọng là Luật Doanh nghiệp không phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai, nguồn tài chính và lao động cũng như được hưởng các ưu đãi đầu tư như nhau.
Những đạo luật mà Việt Nam đã ban hành, những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã chấp nhận phù hợp với chủ trương, chính sách đổi mới đất nước, do vậy Việt Nam có cam kết chính trị rất cao để triển khai thực hiện trong thực tế. Hơn nữa, Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền, do vậy việc thực hiện các quy định của luật pháp là tất yếu. Đối với nhà đầu tư, điều quan trọng là lường trước những rủi ro trong các hoạt động kinh doanh của mình, do vậy Việt Nam bảo đảm tính ổn định của pháp luật, nếu những quy định sau ưu đãi hơn quyết định trước thì nhà đầu tư được hưởng những quy định ưu đãi hơn không tuỳ thuộc vào văn bản đã ký trước đó.
Về lĩnh vực đầu tư, Việt Nam quy định nhà đầu tư có thể bỏ vốn vào bất kỳ lĩnh vực nào mà luật pháp không cấm. Hình thức đầu tư đã không ngừng đuợc cải thiện từ hình thức liên doanh là chủ yếu, nay đã có thêm nhiều hình thức mới như mua lại và sáp nhập (M&A), mua cổ phần, góp vốn để tham gia quản lý xí nghiệp hoặc đầu tư gián tiếp. Loại hình doanh nghiệp cũng đuợc mở rộng đáng kể, không chỉ giới hạn ở hình thức thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn mà có thể áp dụng các hình thức khác như công ty cổ phần, công ty hợp doanh,... Có thể nói chưa bao giờ nhà đầu tư ở Việt Nam đứng trước những cơ hội rộng lớn như hiện nay để thực hiện ý tưởng chiến lược và kế hoạch đầu tư của mình.
Xuất phát từ trình độ phát triển kinh tế thấp, lại trải qua nhiều năm trong cơ chế kế hoạch tập trung, bao cấp, Việt Nam phải vượt qua nhiều khó khăn để thắng sức ỳ của thói quen và tâm lý trong quá trình cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư nói chung và đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng. Hiện nay, cơ chế một cửa đã được thiết lập ở hầu hết các cơ quan Trung ương, các tỉnh và thành phố trong việc giải quyết các thủ tục hành chính như thủ tục gia nhập thị trường đã được tinh giản đáng kể, cho phép doanh nghiệp đa dự án và mở rộng diện áp dụng chế độ đăng ký thay cho cấp phép và ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến mạnh mẽ quy trình và thủ tục này.
Trong quá trình thực hiện đầu tư, những tranh chấp giữa các bên có thể xảy ra, tuy không mong muốn song không thể loại trừ. Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam đã đề ra cơ chế giải quyết tranh chấp để nhà đầu tư lựa chọn trọng tài trong nước hoặc trọng tài quốc tế với mục đích bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho các nhà đầu tư.
Thưa Quý vị đại biểu,
Trong giai đoạn phát triển hiện nay đang diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với doanh nghiệp nước ngoài. Trong cuộc cạnh tranh này, môi trường đầu tư mà Nhà nước tạo ra là yếu tố tiên quyết. Về mặt này, như đã trình bày với quý vị trong phần trên, Chính phủ Việt Nam đã làm tất cả để môi trường Đầu tư ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện, thông thoáng, minh bạch hơn và cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến hạ tầng kinh tế còn nhiều yếu kém; chi phí sản xuất gia tăng trong bối cảnh giá cả gia tăng chưa có dấu hiệu suy giảm; khan hiếm lao động có tay nghề và cán bộ có trình độ quản lý tiên tiến; tổ chức và cán bộ ở các địa phương còn nhiều bất cập; thủ tục hành chính còn nhiều phức tạp, gây phiên hà, nhũng nhiễu nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Để tạo lập nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ 5 năm 2006-2010 và sau năm 2010 nhằm mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Việt Nam tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó vốn ODA và FDI có vị trí quan trọng .
Trong thời kỳ 2006-2010, Việt Nam dự kiến giải ngân khoảng 11,9 tỷ USD vốn ODA để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn; xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ và hiện đại; phát triển cơ sở hạ tầng xã hội; bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên; phát triển thể chế và tăng cường năng lực con người.
Việt Nam cũng đặt kế hoạch thực hiện 24-25 tỷ USD vốn FDI để thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực ưu tiên sau:
Một là, sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo; sản xuất vật liệu mới và năng lượng mới, công nghiệp lọc hoá dầu; công nghiệp phụ trợ.
Hai là, công nghệ sinh học, đặc biệt trong khâu sản xuất giống mới, chất lượng cao (cây, con giống), nuôi trồng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp.
Ba là, phát triển và nâng cao chất lượng ngành dịch vụ có sức cạnh tranh, nhất là du lịch, vận tải biển, hàng không, y tế, văn hoá, giáo dục.
Bốn là, xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, nước, đường giao thông, cảng biển,…
Trong từng ngành cụ thể, Việt Nam đặc biệt khuyến khích đầu tư vào công nghệ thông tin, điện tử, vi điện tử công nghệ sinh học,…; chú trọng công nghệ nguồn từ những nước công nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và hết sức coi trọng thu hút FDI gắn với nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ. Đối với công nghiệp phụ trợ, Việt Nam khuyến khích đầu tư vào các ngành tạo ra nguyên - phụ liệu và khuyến khích các dự án sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghiệp nhanh chóng mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ.
Đối với ngành dịch vụ, Việt Nam khuyến khích vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, đồng thời mở cửa theo lộ trình cho các ngành “nhạy cảm“ như ngân hàng, tài chính, vận tải, viễn thông, bán buôn và bán lẻ, văn hoá. Khuyến khích các nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật bằng những phương thức thích hợp để xây dựng cảng biển, cảng hàng không, đường cao tốc, đường sắt, viễn thông, cấp, thoát nước,...
Trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp, Việt Nam khuyến khích đầu tư vào các dự án công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Công nghệ chế biến thực phẩm cũng được đặc biệt chú ý, bao gồm cả công nghệ sau thu hoạch nhằm gia tăng giá trị nông sản, thực phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Việt Nam cũng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ phát triển nông, lâm, ngư nghiệp như các công trình thuỷ lợi, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống giao thông nông thôn,...
Đối các vùng trên địa bàn lãnh thổ, Việt Nam tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư tập trung vào những địa phương có điều kiện thuận lợi về địa lý tự nhiên, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm. Đối với các vùng khác còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, bên cạnh việc áp dụng những biện pháp ưu đãi đầu tư, Chính phủ đã có những giải pháp tăng cường đầu tư để phát triển nhanh các cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp điện, nước, thông tin liên lạc bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, vốn ODA,...
Chúng tôi hoan nghênh tất cả các nhà đầu tư từ khắp các Châu lục đến làm ăn tại Việt Nam . Chúng tôi đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia. Trong giai đoạn đến năm 2010, các đối tác đầu tư nước ngoài chủ yếu của Việt Nam tiếp tục là Nhật Bản, Hoa Kỳ, các quốc gia thành viên EU. Những đối tác khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan,.. cũng sẽ tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam.
Nhằm thực hiện đuợc những mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, trước hết là ODA và FDI, Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện nhiều biện pháp thiết thực, tập trung vào các nhóm giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, đẩy nhanh việc xây dựng mới và bổ sung các quy hoạch để thống nhất với các quy định của Luật Đầu tư và phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam. Hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, công bố rộng rãi quy hoạch, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư.
Thứ hai, tiếp tục hoàn chỉnh chính sách và luật pháp để thực hiện đúng các cam kết kết với WTO và có những giải pháp bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư có liên quan. Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật pháp và kiểm tra chặt chẽ quá trình thực hiện. Tăng cường hài hoà hoá quy trình và thủ tục giải ngân vốn ODA với các nhà tài trợ.
Thứ ba, tăng cường xúc tiến đầu tư ở trong nước cũng như ở nước ngoài để nâng cao hình ảnh Việt Nam như một địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư và các nhà tài trợ, chú trọng các đối tác trọng điểm để thu hút FDI và vận động ODA.
Thứ tư, phát triển nhanh, mạnh cơ sở hạ tầng thông qua việc tổng rà soát, bổ sung và điều chỉnh, phê duyệt và công bố quy hoạch kết cấu hạ tầng cơ sở đến năm 2020 làm cơ sở thu hút FDI và vận động ODA. Thực hiện các biện pháp bảo đảm ưu tiên thực hiện các dự án hạ tầng như hệ thống đường bộ cao tốc, trước hết là tuyến Bắc-Nam; hai hành lang kinh tế Việt –Trung; tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam; tuyến đường sắt hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc; các tuyến đường sắt nối với các cảng biển lớn, các mỏ khoáng sản lớn với đường sắt quốc gia, đường sắt nội đô Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; một số cảng biển và cảng hàng không quốc tế quy mô lớn,...
Phát triển kết cấu hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn lớn, đầu tư lâu dài, do vậy cần sớm ban hành những chính sách, cơ chế và biện pháp khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước và nguồn vốn tài trợ ODA để xây dựng các công trình trong lĩnh vực này.
Thứ năm, thực hiện kế hoạch đào tạo để nâng cao năng lực con nguời, trước hết bảo đảm cung cấp nguồn lao động được đào tạo nghề cho các nhà đầu tư. Đồng thời, thực hiện chính sách lao động và tiền lương phù hợp với tình hình mới.
Thứ sáu, cải cách thủ tục hành chính là hoạt động trọng tâm để cải thiện môi truờng đầu tư, tập trung vào thực hiện tốt chính sách phân cấp quản lý nhà nước về FDI và ODA; đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài, thực hiện cơ chế “một cửa “ trong việc giải quyết thủ tục đầu tư; tinh giản hoá quy trình thủ tục ODA với nhà tài trợ. Song song với việc cải thiện thủ tục hành chính cần coi trọng tăng cường năng lực cán bộ của các cơ quan công quyền trong việc giải quyết các các vấn đề liên quan tới thủ tục đầu tư.
Cùng với việc thực hiện các giải pháp trên cần kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và tình trạng nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư; sử dụng sai mục đích nguồn vốn tài trợ, đề cao trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các khâu quản lý và thực hiện đầu tư.
Thưa Quý vị đại biểu,
Nếu sau khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài vào năm 1987 và từ đó bắt làn sóng đầu tư lần thứ nhất thì hiện nay làn sóng đầu tư thứ hai vào Việt Nam đang dâng lên, lớn hơn nhiều về quy mô và cao hơn nhiều về chất lượng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng với nguồn vốn viện trợ ODA và nguồn đầu tư trong nước đang khơi dậy những nguồn lực tiềm tàng trong nước để Việt Nam sớm đạt được trình độ một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình và tiến tới một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Chính phủ và nhân dân Việt Nam khẳng định quyết tâm cao độ và sự nỗ lực hết mình để thực hiện các mục tiêu phát triển nói trên và hy vọng các nhà đầu tư cùng đồng hành trên con đường này.
Xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp./.