Công cụ làm việc cá nhân


    Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh: Thực trạng và tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam cũng như những định hướng phát triển trong thời gian tới

    • Send this page to somebody
    • Print this page

    Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

    Hoàng Tuấn Anh tại tiệc bế mạc Hội nghị Kinh tế đối ngoại

    "Việt Nam: Ngôi sao đang lên ở châu Á"

    Kính thưa Ngài Phạm Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam,
    Thưa quí vị đại biểu,
    Thưa quí bà, quí ông,

    Hôm nay tôi rất vinh hạnh tham dự và phát biểu tại Tiệc chiêu đãi trọng thể nhân dịp Hội nghị Kinh tế đối ngoại với chủ đề: "Việt Nam - Ngôi sao đang lên ở  châu á". Lời đầu tiên, tôi xin gửi tới Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, các vị Lãnh đạo các Bộ, Ngành Việt Nam, các vị đại biểu quốc tế và khách mời của Hội nghị lời chào trân trọng và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Chúc các quí vị một năm mới tràn đầy hạnh phúc, mạnh khoẻ và thành đạt trên cương vị công tác của mình.

    Thưa quí vị,

    Tại Hội nghị này, quí vị đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá như là một Ngôi sao đang lên Ở châu Á. Thể theo đề nghị của Ban tổ chức Hội nghị, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam, trong buổi Tiệc chiêu đãi trọng thể tối nay, tôi rất vinh dự đượcc chia sẻ với với quí vị một số nét khái quát về thực trạng và tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam cũng như những định hướng phát triển trong thời gian tới, để ngành du lịch Việt Nam có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ theo chiều sâu hiện nay của Việt Nam.

    Thưa quí vị,

    Những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nền kinh tế Việt Nam luôn luôn duy trì mức độ tăng trưởng khá cao, trong đó có đóng góp nổi bật của ngành du lịch. Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn xã hội phát huy tiềm năng và thế mạnh của đất nước để đẩy mạnh phát triển du lịch. Hơn 10 năm trước đây, mức tăng trrưởng du lịch Việt Nam vẫn còn xếp vào hàng cuối cùng trong khu vực, nhưng nay đã vươn lên hàng trung bình trung các nước ASEAN. Năm 1994 Việt Nam mới chỉ đón 1 triệu khách quốc tế, đến năm 2006 số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng lên 3,6 triệu lượt người và năm 2007 con số này đạt gần 4,4 triệu lượt người, tăng gần 20 % so với năm 2006. Đối tượng khách quốc tế đi du lịch Việt Nam ngày càng mở rộng và đa dạng, bao gồm hầu hết các thị trường nguồn lớn trên thế giới từ Đông Bắc Á, ASEAN, châu âu, Bắc Mỹ đến các địa bàn châu lục khác.

    Để đáp ứng lượng khách tăng mạnh, ngành du lịch Việt Nam đã huy động các nguồn lực cả trong và ngoài nước để phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực du lịch. Cả nước hiện có 8.556 cơ sở lưu trú với tổng số 170.551 buồng, trong đó có 4.283 khách sạn được xếp hạng đạt tiêu chuẩn đến 5 sao với tổng số 109.198 buồng. Việt Nam hiện có trên 600 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trên 10.000 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Phương tiện vận chuyển khách du lịch phát triển đa dạng và từng bước được hiện đại hoá. Nhiều cơ sở dịch vụ, vui chơi giải trí, sân golf… đã và đang đ¬ược xây dựng để đáp ứng nhu cầu của du khách.

    Trong những năm qua, quan hệ hợp tác của Du lịch Việt Nam với các nước trên thế giới và các tổ chức khu vực và quốc tế được đẩy mạnh và tăng cường. Ngành Du lịch Việt Nam đã ký 39 văn bản hợp tác với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; thiết lập quan hệ bạn hàng và đối tác với trên một nghìn hãng của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam tham gia tích cực trong hoạt động của các tổ chức và cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế về du lịch, như: ASEAN, APEC, ASEM, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội Lữ hành Du lịch châu Á - Thái Bình Dư¬ơng… Du lịch Việt Nam đã tham gia hầu hết các Hội chợ Du lịch khu vực và quốc tế lớn; tổ chức nhiều chương minh quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, góp phần đa hình ảnh Việt Nam đến với

    Bạn bè quốc tế và thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đu lịch Việt Nam đã tranh thủ được nhiều dự án viện trợ không hoàn lại hỗ trợ phát triển ngành. Nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực như: phát triển nguồn nhân lực cho du lịch; quy hoạch phát triển du lịch và triển khai Luật Du lịch đã được thực hiện có hiệu quả. Cả nước hiện có 243 dự án đầu từ nước ngoài vào du lịch với số vốn đạt trên 6,7 tỷ đô la Mỹ nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch, khách sạn, khu nghỉ dư¬ỡng và khu vui chơi giải trí.

    Thưa quí vị,

    Ngày nay, Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá là một đất nước hoà bình, ổn định, kinh tế liên tục tăng trưởng trong xu thể đổi mới và hội nhập quốc tế theo chiều sâu. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Việt Nam là đất nước có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng cả về điều kiện tự nhiên và lịch sử xã hội, nhân văn. Con người Việt Nam thân thiện và mến khách với lịch sử hào hùng của hàng ngàn năm giữ nước và dựng nước, với những di sản tự nhiên, lịch sử và văn hoá quý báu, trong đó có nhiều di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Bản sắc văn hoá Việt Nam càng đậm đà chất dân tộc, phong phú và đa sắc màu bởi các hoạt động lễ hội, văn hoá dân gian đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước thanh bình và tươi đẹp Việt Nam.

    Thưa các quí vị,

    Tuy tiềm năng du lịch của Việt Nam là hết sức to lớn, nhưng thực tế cho thấy những gì ngành Du lịch Việt Nam đạt được vẫn còn khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, ngành Du lịch cũng đứng trước những cơ hội to lớn và cả những thách thức không nhỏ trên con đường phát triển. Du lịch Việt Nam có xuất phát điểm thấp; phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng gay gắt; chất lượng dịch vụ du lịch chưa cao; sản phẩm du lịch mới ít hấp dẫn; quy hoạch du lịch và thực hiện quy hoạch chưa hiệu quả; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu về số lượng và chất lượng còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Mục tiêu chiến lược của ngành du lịch Việt Nam đến năm 2010 là đón từ 6,5 đến 7 triệu lượt khách quốc tế, 30 đến 32 triệu lượt khách nội địa; thu nhập từ du lịch đạt 4-5 tỷ đô la Mỹ; tạo việc làm cho khoảng 1,4 triệu người. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi chủ trương tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; khuyến khích đầu tư nâng cấp và phát triển mạnh mẽ hơn nữa cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; tập trung phát triển các tiềm năng du lịch đặc thù của Việt Nam trên cơ sở khai thác tiềm năng du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch biển, đồng thời xây dựng một số sản sản phẩm du lịch cao cấp; khuyến khích và tạo điều kiện để đầu tư xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp, tiện nghi, hiện đại và đồng bộ. Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch.

    Thưa các quí vị,

    Để thực hiện những mục tiêu trên, ngoài những nỗ lực vượt bậc của bản thân ngành du lịch, chúng tôi rất cần có sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế trong việc tham gia đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật cho ngành du lịch Việt Nam. Chúng tôi hoan nghênh chào đón và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án xây dựng, kinh doanh và phát triển ngành du lịch Việt Nam. Sự phát triển thành công của ngành du lịch Việt Nam sẽ đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế Việt Nam nói chung, góp phần làm cho Ngôi sao Việt Nam ngày càng toả sáng trên bầu trời quốc tế.

    Xin cảm ơn sự chú ý của quí vị và xin chúc các quí vị có một buổi tối thật vui vẻ.