Công cụ làm việc cá nhân


    Tiến sỹ Nguyễn Văn Giàu Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Cải cách và mở cửa dịch vụ ngân hàng

    • Send this page to somebody
    • Print this page

    Phát biểu của Tiến sỹ Nguyễn Văn Giàu

    Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hội nghị Kinh tế Đối ngoại

     "Việt Nam: Ngôi sao đang lên ở Châu Á"


    Thưa Quý vị đại biểu,

    Tôi rất vui mừng được mời tham dự Hội thảo ngày hôm nay. Trước hết, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách quí tham dự Hội thảo và xin chúc Quý vị một năm mới mạnh khỏe và thành đạt, xin chúc Hội thảo thành công tốt đẹp. Tại diễn đàn này, tôi xin phép được trình bày một chủ đề đang thu hút  sự quan tâm trong và ngoài nước, đó là “Cải cách và mở cửa hệ thống ngân hàng”. Với chủ đề này, tôi xin điểm qua một số nội dung cải cách cơ bản của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, trong đó tập trung vào những vấn đề trọng tâm đã thực hiện trong năm 2007.

    Sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là kết quả minh chứng cho những nỗ lực cải cách không ngừng của Việt Nam trong nhiều năm qua, trong đó có những cải cách mạnh mẽ lĩnh vực ngân hàng. Những cải cách đáng kể theo hướng thị trường và mở cửa khu vực dịch vụ tài chính – ngân hàng trước yêu cầu phát triển kinh tế trong nước và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đều hướng tới mục tiêu tổng quát là:

     - Xây dựng Ngân hàng Nhà nước theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế cả về mục tiêu, nhiệm vụ, chức năng hoạt động, tổ chức quản lý, trình độ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực;

     - Cải cách căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD theo hướng hoạt động đa năng, đa dạng về sở hữu và loại hình, có qui mô hoạt động lớn, tiềm lực tài chính lớn và lành mạnh, tạo nền tảng đến sau năm 2010 xây dựng hệ thống các TCTD đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đáp ứng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về hoạt động ngân hàng, có khả năng cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.  

    Quá trình cải cách và mở cửa ngân hàng trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, được thể hiện trên 3 lĩnh vực cơ bản sau:

    1) Về cải cách hệ thống NHNN

    Trong những năm qua, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) tiếp tục đạt được mục tiêu ổn định giá trị tiền tệ, góp phần ổn định các cân đối vĩ mô, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tăng trưởng cao và đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, trong đó đáng chú ý là khung Đề án về đổi mới việc xây dựng và điều hành CSTT đang được triển khai như: Nâng cao hiệu quả điều hành CSTT thông qua việc tăng cường năng lực phân tích, dự báo theo hướng bắt đầu áp dụng mô hình kinh tế lượng để phân tích, dự báo diễn biến tiền tệ và lạm phát; đổi mới công tác thống kê và hệ thống thông tin báo cáo phục vụ cho việc điều hành CSTT.

    Hoạt động thanh tra, giám sát của NHNN đã được đổi mới từng bước hướng theo 25 nguyên tắc cơ bản của Basel, được đổi mới cả về hoạt động giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ, khuyến nghị về chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận trong quy trình thanh tra, giám sát và phương pháp thanh tra, giám sát trên cơ sở các thông lệ và chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro và giám sát an toàn hoạt động ngân hàng.

    Về công nghệ thông tin: Dự án Hiện đại hoá ngân hàng và hệ thống thanh toán đã hoàn thành giai đoạn I và đưa vào sử dụng từ năm 2002 đối với tiểu dự án Thanh toán điện tử liên ngân hàng. Đến nay, hệ thống này hoạt động ốn định và rất hiệu quả, đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Hiện nay, NHNN đang tích cực triển khai tiếp giai đoạn II, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009. Ngoài ra, NHNN cũng đã  triển khai nhiều đề án, dự án khác nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động ngân hàng, đặc biệt là việc phát triển các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt và hoàn thiện việc kết nối hệ thống máy giao dịch tự động (ATM). Tính đến tháng 12/2007, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã phát hành hơn 8 triệu thẻ thanh toán (trong đó có khoảng 7,7 triệu thẻ nội địa và hơn 302 ngàn thẻ quốc tế), khoảng 4.300 máy ATM và trên 23 ngàn thiết bị POS được lắp đặt trên toàn quốc. Dự báo những con số này sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.

    Định hướng cải cách: Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Ngành Ngân hàng VN đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, NHNN đang triển khai thực hiện nhiều nội dung quan trọng, bao gồm: Xây dựng Luật NHNN mới, cơ cấu lại mô hình tổ chức của NHTW cho phù hợp với thông lệ chung của quốc tế, đổi mới việc xây dựng và điều hành CSTT theo hướng thị trường, đổi mới công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, đổi mới và hiện đại hóa công tác kho quỹ, xây dựng trung tâm thanh toán quốc gia, xây dựng và phát triển hệ thống thông tin quản lý NHTW, cải cách tổ chức và thể chế thanh tra, giám sát ngân hàng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

    2) Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong nước

    Hệ thống Ngân hàng Việt nam trong 10 năm qua đã có sự phát triển rất nhanh cả về quy mô hoạt động và chất lượng dịch vụ. Đến nay, đã có 5 ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN), chiếm thị phần khoảng 56,9%, 1 ngân hàng phát triển, 1 ngân hàng chính sách chiếm khoảng 3,3%, 37 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) chiếm khoảng 26,5% thị phần, 28 ngân hàng nước ngoài với tổng số 39 chi nhánh và 5 ngân hàng liên doanh chiếm khoảng 9,4% thị phần, 9 công ty tài chính, 12 công ty cho thuê tài chính và 996 quĩ tín dụng nhân dân chiếm khoảng 3,9% thị phần. Ngoài ra còn có 51 văn phòng đại diện của các tổ chức tín dụng nước ngoài.

    Hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục được tách bạch khỏi hoạt động tín dụng thương mại thông qua việc chuyển giao một số nhiệm vụ cho vay ưu đãi từ các NHTMNN sang NH Phát triển Việt Nam và NHCSXH Việt Nam, chuyển căn bản các NHTM Nhà nước làm nhiệm vụ kinh doanh trên cơ sở thương mại. Nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đã và đang tiếp tục được thực hiện thí điểm tại một số NHTM như: Bao thanh toán, hoán đổi rủi ro tín dụng và dịch vụ ngân hàng điện tử qua internet.

    Việc cổ phần hóa các NHTMNN là thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách nền kinh tế Việt nam theo hướng thị trường. Đó cũng là một trong những trọng tâm nỗ lực của Ngành Ngân hàng trong thời gian qua. Chương trình cổ phần hoá NHTMNN được khởi động từ năm 2004 với phương thức thực hiện phù hợp với thông lệ quốc tế (kiểm toán, định giá và phát hành), minh bạch và an toàn hoạt động nhằm nâng cao năng lực tài chính, công nghệ và quản trị điều hành của các NHTMNN sau cổ phần hoá. NHNN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án cổ phần hoá các NHTMNN. Với những nỗ lực đó, vào cuối năm 2005, Ngân hàng Ngoại thương VN (VCB) là NHTMNN đầu tiên đã thực hiện thành công đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn tự có với tổng trị giá gần 1.375 tỷ đồng. Vào cuối tháng 12/2007 vừa qua, VCB đã tiến hành đấu thầu thành công, bán 975 tỷ đồng cổ phần lần đầu ra công chúng (tương đương 6,5% vốn điều lệ sau cổ phần hoá). Đối với Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long tiến trình cổ phần hoá cũng đã bước vào giai đoạn quyết định và sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu vào đầu năm 2008. Các NHTMNN khác như Ngân hàng đầu tư và Phát triển VN, Ngân hàng Công thương VN cũng đang khẩn trương thực hiện lộ trình cổ phần hoá của mình.

    Hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) tiếp tục được củng cố và cơ cấu lại. Về cơ bản, các NHTMCP có chất lượng hoạt động tốt hơn, an toàn và hiệu quả hơn. Hầu hết các NHTMCP đều có lợi nhuận cao, đảm bảo  tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu phù hợp với thông lệ quốc tế. Đa số các ngân hàng TMCP đều đạt mức vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng (tương đương 62 triệu USD).

    3) Môi trường pháp lý cho hoạt động ngân hàng dần dần phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế

    Nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý các hoạt động ngân hàng – tiền tệ ngày càng đa dạng và có tính nghiệp vụ cao của một thị trường tài chính – tiền tệ trong tiến trình hội nhập, nhiều văn bản pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng đã được sửa đổi, bổ sung  hoặc ban hành mới trong thời gian qua, như: Luật Công cụ chuyển nhượng; Pháp lệnh Ngoại hối; Nghị định về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và văn phòng đại diện của các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Nghị định về mức vốn pháp định của các TCTD; Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ngoại hối; Hàng loạt văn bản pháp lý khác cho hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng đã được hoàn thiện.
    Thưa các Quý vị,

    Ngoài những nội dung cải cách cơ bản trên đây, tôi xin trình bày cụ thể hơn một số vấn đề mà các Quý vị quan tâm về hoạt động ngân hàng trong năm 2007.

    a) Kiềm chế lạm phát và  sự  tăng nhanh qui mô tín dụng

    Năm 2007, khu vực tài chính thế giới có nhiều diễn biến phức tạp: khủng hoảng cho vay nhà ở tại Mỹ, đồng USD liên tục giảm giá, giá dầu mỏ tăng cao kỷ lục, làm cho hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Năm 2007 cũng là năm thị trường tài chính trong nước diễn ra sôi động hơn, ngoài việc thu hút 20,3 tỷ USD vốn FDI, vốn đầu tư gián tiếp (FII) gia tăng đạt 6,5 tỷ USD (so với năm 2006 tăng 5,19 tỷ USD) và cả nguồn kiều hối đạt đến 6 tỷ USD tăng 2,2 tỷ so với năm 2006.  

    Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến và dự báo biến động kinh tế, tài chính trong nước và ngoài nước, NHNN thực hiện các giải pháp điều hành CSTT, hút mạnh tiền từ lưu thông thông qua việc đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ thị trường mở và tăng lãi suất trái phiếu NHNN, đồng thời, điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng gấp 2 lần nhằm kiểm soát và hạn chế tăng trưởng tín dụng nóng và tăng tổng phương tiện thanh toán, kiểm soát chặt chẽ việc cho vay kinh doanh chứng khoán, cho vay bất động sản và cho vay tiêu dùng.  

     Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh của TCTD, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn tín dụng.

    b) Điều hành  tỷ giá và mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền VN

    Đánh giá về tỷ giá VND và USD, diễn biến cung cầu ngoại tệ trên thị trường năm 2007 cho thấy có những thời điểm cung vượt cầu về ngoại tệ (tháng 2,3,10 và 11), tạo sức ép tăng giá VND do đồng USD hiện đang xuống giá và dòng vốn từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt là đầu tư gián tiếp. NHNN đã thực hiện mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán và kiểm soát tỷ giá hợp lý nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. 

    Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới phù hợp với cam kết và lộ trình mở cửa dịch vụ tài chính – ngân hàng của Việt Nam. Pháp lệnh Ngoại hối đã được ban hành ngày 13/12/2005, theo đó Việt Nam đã thực hiện tự do hóa các giao dịch vãng lai và từng bước nới lỏng kiểm soát các giao dịch vốn một cách thận trọng, phù hợp với lộ trình mở cửa thị trường tài chính nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại hối, góp phần thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, từng bước nâng cao tính chuyển đổi của VND và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

    c) Điều kiện và môi trường cho các ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh và hoạt động tại VN

    Trong thời gian qua, hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến thành lập mới và tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho các ngân hàng nước ngoài về cơ bản đã được ban hành, trong đó có qui định cụ thể như sau: 

    Ngân hàng mẹ có kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc tế từ mức ổn định trở lên, có tổng tài sản có ít nhất 20 tỉ USD vào năm tài chính trước năm xin cấp giấy phép và có tình hình tài chính lành mạnh (tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% trở lên, tỉ lệ nợ xấu dưới 3%, hoạt động có lãi ít nhất trong 3 năm liên tiếp liền kề trước năm xin cấp giấy phép); Cơ quan thanh tra, giám sát có thẩm quyền của nước nguyên xứ có khả năng giám sát toàn bộ hoạt động của ngân hàng mẹ trên cơ sở tổng hợp theo thông lệ quốc tế và đã ký kết cam kết với NHNN Việt Nam về hợp tác quản lý, giám sát hoạt động và trao đổi thông tin; Có phương án kinh doanh chi tiết và có tính khả thi; Điều kiện cụ thể đối với nhân sự điều hành dự kiến của chi nhánh....

    d) Những biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam

     - Thực hiện các cam kết gia nhập WTO về lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đảm bảo một môi trường pháp lý bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, không phân biệt các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, phù hợp với thể chế chính trị và tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam. 

     - Với vai trò là Ngân hàng Trung ương, NHNN đã sử dụng các công cụ CSTT để góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô;

     - Xây dựng lộ trình và giải pháp tự do hóa thị trường tài chính phù hợp với năng lực quản lý và trình độ phát triển của thị trường, đảm bảo phát triển bền vững thị trường tài chính, không để xảy ra những tác động bất lợi đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, hướng tới thực hiện một cơ chế tỷ giá linh hoạt phù hợp với mức độ mở cửa thị trường tài chính;

     - Từng bước xác định rõ trách nhiệm của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ lấy kiểm soát lạm phát làm mục tiêu chính, đảm bảo tính công khai và minh bạch trong điều hành chính sách tiền tệ. Tăng cường năng lực trong công tác thống kê, phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô và tiền tệ trên cơ sở sử dụng các mô hình hiện đại và cơ sở dữ liệu đầy đủ và chính xác hơn.

    Thưa các Quí vị đại biểu,

    Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình cải cách vừa qua, nhưng Ngành Ngân hàng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn nhất là những diễn biến phức tạp của năm 2007 sẽ tiếp diễn sang năm 2008. Trong thời gian tới, hệ thống Ngân hàng Việt Nam cần tiếp tục cải cách  mạnh mẽ và triệt để hơn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của nền kinh tế. NHNN đã xây dựng một kế hoạch cụ thể và đang tích cực chỉ đạo triển khai, trong đó tập trung vào 5 nội dung trọng tâm sau:

    Một là:  Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng

    Trọng tâm là triển khai xây dựng 4 luật về ngân hàng: Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các Tổ chức Tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng. Việc xây dựng thành công các Luật này theo hướng áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu hướng phát triển của Ngành ngân hàng trong bối cảnh hội nhập sẽ là tiền đề quan trọng cho cải cách thành công và đạt được một hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, an toàn và ổn định trong dài hạn. Trong khi chưa ban hành các Luật Ngân hàng mới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ phát lý cho hoạt động NHTM.

     Hai là: Từng bước đổi mới tổ chức và hoạt động của NHNN

    Từng bước cơ cấu lại bộ máy tổ chức hiện tại và hình thành những đơn vị mới cần thiết tại NHNN để thực hiện có hiệu quả hơn vai trò của NHTW; quy mô, phạm vi hoạt động và cơ cấu tổ chức của các chi nhánh NHNN sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với yêu cầu quản lý tiền tệ - ngân hàng trên từng địa bàn.

    Nghiên cứu thành lập Cơ quan Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng thuộc NHNN trên cơ sở bộ máy Thanh tra NHNN hiện nay để thực hiện thống nhất thanh tra, giám sát toàn bộ hoạt động của các tổ chức tín dụng, từ ban hành thể chế, cấp phép, thanh tra, xử phạt và rút giấy phép hoạt động.

    Tiếp tục hiện đại hóa hệ thống thanh toán liên ngân hàng trên cơ sở hoàn thiện và mở rộng mạng lưới thanh toán liên ngân hàng hiện tại, tăng cường tính an toàn, ổn định của toàn hệ thống; nghiên cứu việc hình thành Trung tâm thanh toán quốc gia.

    Ba là:  Nâng cao năng lực xây dựng và điều hành CSTT của NHNN

    Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều hành CSTT, đặc biệt chú trọng đến các công cụ gián tiếp mà vai trò chủ đạo là nghiệp vụ thị trường mở. Gắn kết chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá hối đoái với điều hành lãi suất; Đổi mới cơ chế điều hành lãi suất và tỷ giá hối đoái theo nguyên tắc thị trường; nâng cao năng lực của NHNN trong quản lý và can thiệp thị trường ngoại tệ thông qua các nghiệp vụ thị trường; tăng cường xây dựng và quản lý dự trữ ngoại hối theo hướng đáp ứng nhu cầu can thiệp thị trường ngoại hối trong nước và tăng hiệu quả đầu tư dự trữ ngoại hối.

    Từng bước xác định rõ trách nhiệm của NHNN trong việc điều hành CSTT lấy kiểm soát lạm phát làm chức năng chính, đảm bảo tính công khai và minh bạch trong điều hành CSTT. Tăng cường năng lực thống kê, phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô và tiền tệ trên cơ sở sử dụng các mô hình hiện đại, cơ sở dữ liệu đầy đủ và chính xác hơn.

    Bốn là: Tăng cường năng lực thanh tra, giám sát của  NHNN

    Xây dựng và vận hành hệ thống giám sát ngân hàng hiện đại và hữu hiệu (về thể chế, mô hình tổ chức, con người và phương pháp) nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của hệ thống Ngân hàng Việt Nam và thực hiện đúng các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế về giám sát ngân hàng; kết hợp giữa giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ; vận hành hệ thống giám sát từ xa nhằm giám sát được các rủi ro trọng yếu của từng tổ chức tín dụng cũng như của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

    Đưa vào áp dụng các quy định về yêu cầu tối thiểu đối với hệ thống quản trị rủi ro tại các TCTD; nâng cao vai trò và trách nhiệm của kiểm toán nội bộ từng tổ chức tín dụng để kiểm soát được các rủi ro trọng yếu của mỗi tổ chức tín dụng; thực hiện các quy trình và thủ tục thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro; xây dựng hệ thống thông tin hoàn chỉnh phục vụ cho yêu cầu thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro.

    Năm là:  Đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại các NHTM

    Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các NHTMNN; nhanh chóng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng xuống mức trung bình trong khu vực vào năm 2010; tiếp tục tăng cường năng lực tài chính cho các NHTMNN; đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa công nghệ ngân hàng; tiếp tục triển khai các mô hình tổ chức và mô thức quản trị hiện đại, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế; phát triển hệ thống thông tin quản trị; tăng cường nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới; đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các dịch vụ phi tín dụng.

    Kính thưa các Quí vị đại biểu,

    Cải cách và mở cửa hệ thống ngân hàng là một quá trình lâu dài và đầy khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước VN đã quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu này. Để thực hiện thành công công cuộc cải cách và mở cửa hệ thống ngân hàng, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế và giảm nghèo, Ngành Ngân hàng sẽ phải tiếp tục thực hiện nhiều công việc trong thời gian tới. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức, bạn bè quốc tế và quyết tâm của đội ngũ cán bộ Ngành Ngân hàng, những chương trình cải cách và các cam kết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ được thực hiện theo đúng lộ trình và đạt được kết quả như mong muốn.

    Cuối cùng, tôi xin chúc Hội thảo thành công tốt đẹp, chúc các Quí vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc. Xin cảm ơn.