Công cụ làm việc cá nhân


    TS. Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương:PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM TRÊN CON ĐƯỜNG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

    • Send this page to somebody
    • Print this page

    Phát biểu của Tiến sỹ Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công thương
    tại Hội nghị Kinh tế Đối ngoại
    “Việt Nam: Ngôi sao đang lên ở Châu Á”
    Hà Nội, 08 tháng 01 năm 2008


    Kính thưa Đ/c Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam,
    Kính thưa Đ/c Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam,

    Thưa các vị khách quý,
    Thưa quý bà quý ông,

    Trước hết, cho phép tôi gửi lời chào trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất tới các vị khách quý và toàn thể quý vị đại biểu tham dự Hội nghị quan trọng ngày hôm nay. Tôi xin cảm ơn Ban tổ chức là Bộ Ngoại giao Việt Nam và tạp chí The Economist đã tổ chức một sự kiện đầy ý nghĩa trong những ngày đầu năm mới, trong bối cảnh Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đứng những cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng gặp phải rất nhiều thách thức cần vượt qua.

    Tôi xin trình bày bài phát biểu với 2 phần chính: phần 1 tóm tắt tình hình, thành tựu và thách thức phát triển ngành Công Thương trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế; phần 2 là định hướng phát triển ngành và các cơ hội hợp tác sản xuất và kinh doanh.

    Phần 1. Thuận lợi, thành tựu phát triển ngành công thương

    Như quý vị có thể đã biết, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức vì đã phải trải qua chiến tranh kéo dài và chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam đã, đang và sẽ cải cách, đổi mới toàn diện và nỗ lực tận dụng những tiềm năng, lợi thế và nắm bắt cơ hội của mình để xứng đáng với nhìn nhận, đánh giá của bạn bè thế giới như là một “ngôi sao đang lên ở Châu Á”. Những tiềm năng và lợi thế đó là:

    - Có nguồn nhân lực trẻ và khá dồi dào, chi phí lao động rẻ. Người Việt Nam cần cù, năng động, khéo léo, học hỏi nhanh và có trình độ giáo dục khá cao.

    - Có 3.444 km đường bờ biển và vùng biển đặc quyền kinh tế (SEZ) trên 1 triệu km2; có nguồn tài nguyên thiên nhiên tương đối đa dạng (như than, dầu, khí, bô-xít, sắt, đồng, vàng, ni-ken…) và nằm ở vị trí địa-chiến lược thuận lợi (cầu nối và cửa ngõ Đông Tây, Trung Quốc - ASEAN, ở ngã ba vùng ảnh hưởng của văn minh - văn hóa Phương Tây, Trung Quốc và Ấn Độ).

    - Có môi trường chính trị - xã hội ổn định và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam được biết đến là một đất nước an toàn và thực hiện Đổi mới thành công và liên tục trong 20 năm qua với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao; năm 2007 đạt 8,48%. Việt Nam đang tích cực xây dựng xã hội pháp quyền và kiện toàn hệ thống pháp luật ngày càng phù hợp với thay đổi trong nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thời gian qua Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới hàng chục đạo luật, đáng chú ý là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Môi trường, Luật Phòng chống tham nhũng... Việt Nam đã chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường và hội nhập toàn diện trên cả 3 cấp độ: song phương, khu vực và toàn cầu. Việt Nam là thành viên của ASEAN, ASEM, APEC… Đặc biệt Việt Nam vừa là thành viên chính thức của WTO từ năm 2007 và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Đã có 76 quốc gia và nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam, với khoảng 8200 dự án và tổng vốn đầu tư đạt trên 80 tỷ USD (riêng năm 2007 đạt kỷ lục 20,3 tỷ USD), trong đó có nhiều dự án quy mô lớn hàng tỷ đôla do các tập đoàn hàng đầu trên thế giới đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, bất động sản...; dòng vốn đầu tư tài chính (hay còn gọi là đầu tư gián tiếp) vào Việt Nam cũng tăng mạnh nhờ sự phát triển nhanh chóng của các thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Việt Nam đã có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 220 quốc gia và nền kinh tế; kim ngạch xuất khẩu tăng trên 20%/năm liên tục trong nhiều năm qua (đạt 39,6 tỷ USD năm 2006 và 48,38 tỷ năm 2007).

    Có thể nói rằng: Việt Nam hiện đang quy tụ các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, là điểm đến và địa chỉ tin cậy cho các nhà kinh doanh, đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ tiên tiến.

    Kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ năm 1986, nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng vượt qua khó khăn và dần đạt được những kết quả vượt bậc. Ngành công nghiệp và thương mại đã góp phần đáng kể vào thành công nói trên:

    - Giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tăng trưởng cao, bình quân trong những năm qua đạt khoảng 16% và đạt trên 17% (2007), đáp ứng cơ bản những sản phẩm chủ yếu cho các ngành kinh tế khác và cho tiêu dùng xã hội, hiệu quả sản xuất được nâng lên, tiếp tục giữ vững vai trò động lực cho phát triển và chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, kinh tế thị trường và định hướng XHCN. Giá trị gia tăng (VA) công nghiệp và xây dựng bình quân giai đoạn 2001-2006 tăng khoảng hơn 10%.

    - Hoạt động xuất khẩu tiếp tục phát triển cả về giá trị kim ngạch, về mặt hàng và về thị trường, thể hiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế và hội nhập của nền kinh tế. Đã bước đầu hình thành một số sản phẩm, nhóm sản phẩm xuất khẩu mới và cơ cấu các sản phẩm đã qua chế biến tăng dần là một xu hướng tích cực. Dệt may, giầy dép, điện tử, dầu khí, điện, than, cơ khí chế tạo, chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ... là những mặt hàng góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP và xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh và bước đầu tạo được hình ảnh Việt Nam trong khu vực và thế giới.

    - Hình thành đội ngũ lao động Việt Nam có tay nghề, cần cù, năng động và có khả năng sáng tạo. Nhu cầu đào tạo và nâng cao năng lực đang ngày càng tăng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước.

    - Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã bước đầu phát huy được nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt là việc tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài và công nghệ tiên tiến.

    - Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước thông qua việc xây dựng một khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện cải cách hành chính, tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, áp dụng công nghệ thông tin và tiến tới xây dựng một Chính phủ điện tử. Hệ thống quản lý với các nguồn lực tập trung cao, tạo điều kiện thực hiện các dự án lớn và nhỏ cho phát triển hạ tầng công nghiệp và thương mại, đặc biệt là các ngành mũi nhọn. Các thể chế, cơ chế theo hướng thị trường đang được hoàn thiện để tham gia tích cực và chủ động hơn vào quá trình hội nhập.

    Bên cạnh việc đạt được những thành tựu đáng kể và đứng trước những thuận lợi cơ bản, Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức phải vượt qua: cơ sở hạ tầng yếu kém; năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển chưa cao; khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp; ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển; trình độ công nghệ - kỹ thuật còn lạc hậu, không đồng đều; tình trạng nhập siêu ngày càng tăng; chỉ số giá tiêu dùng tăng cao; chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là quản lý và kinh doanh, bộc lộ nhiều yếu kém. Bên cạnh đó, thiên tai bão lũ, hạn hán, dịch bệnh ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước đã gây nhiều thiệt hại về người và của, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nông dân, làm giảm sức mua trên thị trường.

    Phần 2. Định hướng, mục tiêu phát triển và các cơ hội hợp tác:

    - Cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh; đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế phù hợp với kinh tế thị trường, yêu cầu của hội nhập quốc tế và WTO, theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tiếp tục phát triển đồng bộ các loại thị trường, trong đó chú trọng đến thị trường tài chính, khoa học công nghệ, lao động, bất động sản...; tiếp tục đẩy mạnh cải cách lĩnh vực tài chính ngân hàng, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đi đôi với phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài.

    - Định hướng tổng quát phát triển công nghiệp: phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp đang có lợi thế cạnh tranh, có thị trường và tạo ra nhiều lao động như chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm, gia công cơ khí, lắp ráp điện tử, vật liệu xây dựng; kết hợp phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất quan trọng (công nghiệp nền tảng) như năng lượng, hóa chất, luyện kim... để tăng khả năng tự chủ của nền kinh tế; tiếp tục đổi mới, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp nhà nước theo huớng hình thành một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty mạnh phát triển hiệu quả và bền vững, đa sở hữu làm nòng cốt trong một số lĩnh vực then chốt. Đồng thời, tập trung phát triển năng lực nghiên cứu thiết kế sản phẩm công nghiệp và chuyển dịch mạnh sang các ngành công nghiệp chế tác có tiềm năng, hàm lượng công nghệ cao (như sản xuất chi tiết linh kiện điện tử, phần mềm, hóa dược, hóa mỹ phẩm, sản phẩm từ công nghệ mới, thiết bị viễn thông, tin học). Chuyển dịch và phát triển công nghiệp ở nông thôn, gắn kết phát triển công nghiệp với quá trình độ thị hóa và phát triển bền vững. Tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, sẵn sàng tham gia liên kết kinh tế dưới nhiều hình thức để đến năm 2020 kinh tế Việt Nam nói chung và công nghiệp nói riêng trở thành một bộ phận khăng khít của hệ thông kinh tế khu vực và thế giới. Chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam (quản lý nhà nước và hệ thống chính sách, doanh nghiệp, hàng hóa) và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm phát huy được lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước và đón đầu, tận dụng được những cơ hội mà thế giới mang lại.

    Về hội nhập kinh tế quốc tế, định hướng của Việt Nam là chủ động hội nhập kinh tế quốc tế với mục tiêu đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại. Do vậy, gia nhập WTO không phải là bước cải cách cuối cùng theo hướng mở cửa nền kinh tế. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục định hướng chủ động cải cách theo hướng hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Cụ thể:

    - Việt Nam đã và sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các cam kết trong WTO thông qua việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế thị trường, xây dựng các thể chế để tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt. Trong các cam kết WTO, nhiều cam kết quan trọng không phải đuợc thực hiện ở năm đầu tiên mà ở các năm sau khi gia nhập.

    - Tiếp tục đẩy nhanh, mạnh, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực và song phương:

    + Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đã kết thúc đàm phán hoặc đang trong quá trình đàm phán để hình thành các khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa ASEAN (trong đó có Việt Nam) với các đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc – New Zealand, EU...

    + Việt Nam vẫn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế trong khuôn khổ nội khối ASEAN, với các nền kinh tế thành viên APEC...

    + Đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại song phương như hợp tác với Hoa Kỳ trong khuôn khổ Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), hợp tác với Nhật Bản (EPA)...

    + Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực tham gia vào thực hiện các chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông, tuyến đường xuyên Á, các hành lang và vành đai kinh tế...

    Kính thưa các quý vị đại biểu,

    Bộ Công Thương, trên cơ sở sáp nhập và sắp xếp lại từ Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Nghị định 189/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại. Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ các doanh nghiệp và các nhà đầu tư đến tìm kiếm các cơ hội hợp tác sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam cũng như cùng với các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, đầu tư ra nước ngoài.

    Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức và yếu kém, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hiện thực hóa được mục tiêu của mình nhằm thực sự biến Việt Nam thành một “ngôi sao đang lên” ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam đang và sẽ luôn phấn đấu trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như một trung tâm sản xuất của khu vực.

    Thay lời kết, thay mặt Bộ Công Thương, tôi xin gửi tới các quý vị đại biểu và đặc biệt các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài một thông điệp: Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn cố gắng cao nhất để môi trường sản xuất, kinh doanh và đầu tư ngày càng được thuận lợi. Đất nước chúng tôi luôn rộng cửa chào đón các bạn! Đầu tư vào Việt Nam chắc chắn các bên đều có lợi ích lâu dài và bền vững!

    Chúc các Quý vị sức khỏe và Hội nghị thành công tốt đẹp.

    Xin cảm ơn./.