Công cụ làm việc cá nhân


    Khu kinh tế mở Chu Lai - Chuyển hướng thu hút đầu tư

    • Send this page to somebody
    • Print this page
    Tháng 7/2003, sau khi Chính phủ có quyết định thành lập Khu kinh tế mở Chu lai (KKTMCL), UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách “cực kì ưu đãi” thậm chí bị Chính phủ phê bình là “phá rào”. Vì vậy chỉ một thời gian ngắn, vùng đất khô cằn này thu hút hàng loạt dự án đầu tư cả trong nước và nước ngoài.

    Có thời điểm KKTMCL tiếp nhận đến 139 dự án đăng kí đầu tư với tổng số vốn đầu tư lên đến 1,5 tỉ USD.

    Thế nhưng sau 4 năm thu hút đầu tư bằng mọi giá, KKTMCL vẫn không có mấy dự án khởi động, cả mặt bằng mênh mông vẫn là đất khô cằn. Không thể kéo dài hơn, BQL KKTMCL đã rà soát các dự án được cấp phép đầu tư và có văn bản đề nghị UBND tỉnh rút giấy phép 81 dự án không có khả năng triển khai.

    Khi mới động thổ xây dựng, KKT này đã có 11 dự án đăng kí, với tổng số vốn trên 500 tỉ đồng. Đến cuối năm 2006, đã có 120 dự án đăng kí đầu tư, trị giá hơn 1 tỉ USD nhưng trong đó chưa đến 1/3 dự án được triển khai. Năm 2006, cấp phép cho 10 dự án nhưng thực sự chỉ có 2 dự án thể hiện quyết tâm, còn 8 dự án tỉnh lại phải thu hồi. 10 tháng đầu năm 2007, KKTMCL có thêm 21 dự án đầu tư đăng kí mới, trong đó 13 dự án được cấp phép với tổng số vốn 280,6 triệu USD. Nhưng cũng từ đầu năm 2007 đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định rút giấy phép 27 dự án với tổng số vốn trên 227.400.000USD và chuẩn bị rút giấy phép thêm 7 dự án nữa, trong đó có những dự án lớn như dự án Khu liên hợp dệt may (Mỹ) 38 triệu USD, dự án Khu du lịch Mặt Trời Việt…

    Như vậy, từ hàng trăm dự án đăng kí, đến thời điểm này chỉ còn tồn tại 60 dự án, với tổng số vốn 1.196 triệu USD và số dự án được cấp phép là 49, tổng nguồn vốn 600 triệu USD. Trong đó thực sự chỉ có 23 dự án đang hoạt động, với tổng số vốn 203 triệu USD như Nhà máy lắp ráp ô tô Trường Hải, Nhà máy SX thức ăn chăn nuôi Hoa Chen, Nhà máy tuyển cát XK… và 15 dự án khác đang khởi động.

    Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Hải- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết: “Mặc dầu rất thông cảm với nhà đầu tư nhưng tỉnh không thể kéo dài thêm được nữa!”. Còn ông Lê Phước Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng BQL KKTMCL cụ thể hơn: Giai đoạn đầu, Quảng Nam hơi lúng túng xác định hướng đi và cách tiếp cận các nguồn lực đầu tư nên đã để nhiều dự án xí phần, chiếm chỗ. Qua rà soát thu hồi những dự án không có khả năng triển khai, năm 2007, Quảng Nam đã chuyển hướng xúc tiến đầu tư vào KKTMCL. Từ chỗ xúc tiến các dự án SXKD, công nghiệp là chủ yếu chuyển sang xúc tiến các dự án du lịch cao cấp, KD cơ sở hạ tầng như Khu thương mại tự do, sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà… Trên lĩnh vực công nghiệp chỉ chọn những dự án công nghệ cao và công nghiệp sạch.
    Bên cạnh việc chuyển hướng đầu tư, tỉnh Quảng Nam cũng đề ra nhiều chính sách ưu đãi mới như: giá giao thuê đất được kéo dài 70 năm, hỗ trợ 100% chi phí bồi thường, giải toả; hỗ trợ một phần chi phí đầu tư hệ thống xử lí nước thải, xây dựng khu chung cư công nhân; miễn 100% chi phí thủ tục đầu tư, KD; hỗ trợ đến 50% chi phí quảng cáo, tuyển dụng, giới thiệu sản phẩm; thưởng đến 200 triệu đồng cho người môi giới dự án vào KKTMCL… Ngoài ra, để khắc phục tình trạng dự án “treo”, Quảng Nam cũng qui định nhà đầu tư khi đăng kí phải kí quỹ từ 25- 50 triệu đồng/ha, nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết sẽ mất số tiền này.

    Sự chấn chỉnh trên rất cần thiết đối với Chu Lai khi muốn “nâng chất” môi trường đầu tư. Chính sự chấn chỉnh này khiến nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm. Thống kê cho thấy, ít nhất 50 đoàn DN, Hiệp hội ngành nghề của các nước đến tìm hiểu đầu tư tại KKTMCL trong 10 tháng đầu năm 2007, trong đó có những dự án cao cấp như khu du lịch Cát Vàng Chu Lai 5 sao, 50 triệu USD; khu du lịch Le Domaine de Tamhai 43 triệu USD, khu du lịch Cadasa 37 triệu USD, thậm chí có dự án xây dựng khu vui chơi giải trí đặc biệt của Công ty Providential Holdings (Mỹ) trị giá đến 4 tỉ USD… Về cơ sở hạ tầng có những thoả thuận ban đầu với Tập đoàn Indochina Capital, Công ty cổ phần địa ốc Đông Á, Tập đoàn Hoa Chen Long Đức Phong-Trung Quốc… BQL KKTMCL còn cho biết, sân bay Chu Lai cũng đang có nhiều tập đoàn nước ngoài nhòm ngó muốn đầu tư xây dựng theo hình thức BOT…

    Đó là những tín hiệu đáng mừng bước đầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn còn khá nghi ngại khi cho rằng đây có thể là một làn sóng “thoả thuận đầu tư” mới mang tính “chào hỏi”, quảng bá cho DN, còn thực sự thì chưa hẳn đã mặn mà. Vì thực tế hiện nay, dù Chính phủ có nhiều chính sách tài chính, công trình dự án hỗ trợ cho KKTMCL, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng KKT này đã trên 1.000 tỉ đồng nhưng Chu Lai vẫn còn lắm ngổn ngang, tạm bợ; cảng Kỳ Hà mới đón được tàu dưới 7.000 tấn, sân bay vắng khách, chỉ 2 chuyến/tuần; suất (vốn) đầu tư vào KKTMCL theo qui định mới phải đạt 1triệu USD/ha là quá cao so với sức hút của KKT này. Chưa nói đến việc qui hoạch chi tiết các KCN, qui hoạch tổng thể kinh tế – thương mại KKTMCL đến năm 2020 vẫn chưa hoàn chỉnh… liệu có hấp dẫn các nhà đầu tư? Bài học kinh nghiệm thu hút đầu tư những năm trước là quá đủ để Quảng Nam sẽ không lặp lại sai lầm lần nữa khi lựa chọn đối tác.(Thương mại)