Công cụ làm việc cá nhân


    Thúc đẩy các dự án lớn

    • Send this page to somebody
    • Print this page
    Các yếu tố thuận lợi về kinh tế, chính trị trong nước cùng với những xu thế mới trong chuyển dịch dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ÐTNN) đang làm cho những dự báo về thu hút vốn ÐTNN năm 2008 trở nên rất khả quan.

    Tuy nhiên, theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục ÐTNN (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), vấn đề hiện không chỉ ở những con số.

    Thưa ông, liệu có gì đột biến về thu hút vốn ÐTNN trong những tháng cuối năm 2007 và năm 2008?

    Theo tôi, với tình hình hiện nay, sẽ không có gì ảnh hưởng lớn tới tốc độ thu hút vốn ÐTNN trong những tháng tới. Hiện có khoảng 50 dự án có tổng số vốn trên 50 tỷ USD đang được nhà đầu tư triển khai bàn thảo với các phương. Trong đó có những dự án quy mô rất lớn (vốn trên 1 tỷ USD), dự kiến đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, nhà máy điện, lọc hoá dầu, khu dịch vụ cao cấp... Cũng cần phải nói thêm rằng, không chỉ giới hạn trong những nhà đầu tư truyền thống, mà thành phần khá đa dạng. Vấn đề quan trọng hiện nay là nhanh chóng thúc đẩy các bước để đưa các dự án trên trở thành hiện thực. Chính điều này cũng được coi là một “cú hích” để Việt Nam chớp thời cơ khi làn sóng ÐTNN vào Việt Nam vẫn đang rất mạnh mẽ.

    Song tạo được “cú hích” này cũng không đơn giản, thưa ông?

    Cho dù kết quả thu hút và sử dụng nguồn vốn ÐTNN tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng đúng là vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội hiện có. Khi các nhà đầu tư lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan, Mỹ... đang coi Việt Nam là một trong những địa bàn đầu tư ưu tiên, thì các vướng mắc trong thủ tục, trong quá trình thực thi pháp luật, chính sách vẫn còn tồn tại ở không ít địa phương. Ngoài những trở ngại quen thuộc và cần phải có thời gian để cải thiện như cơ sở hạ tầng, thiếu lao động có đào tạo..., thì sự chồng chéo giữa Luật Ðầu tư và các văn bản luật khác như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng... ít nhiều đang gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình hình thành dự án. Việc chưa có các quy định cụ thể và rõ ràng đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện để làm căn cứ thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư... cũng đang gây lúng túng cho các cơ quan quản lý đầu tư khi nhà đầu tư quyết định đầu tư.

    Nhiều ý kiến cho rằng, sau một năm thực hiện, việc phân cấp cấp giấy chứng nhận đầu tư và quản lý dự án ÐTNN về các địa phương đã có kết quả bước đầu rất tích cực?

    Ðúng vậy. Cơ chế này đã tạo tính chủ động cho các địa phương trong việc vận động, quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài. Nhiều tỉnh như Hà Tây, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... đã nổi lên trong hoạt động này. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, tổ chức bộ máy, trình độ nghiệp vụ của các địa phương hiện vẫn là thách thức trong hoạt động thu hút ÐTNN trong năm nay và năm 2008. Ở đây, rất cần sự phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, các địa phương trong việc tháo gỡ các vướng mắc phát sinh (nếu có), đặc biệt là với các dự án quy mô lớn. Ngoài ra, một vấn đề trọng tâm của năm 2008 sẽ là sự phối hợp trong xúc tiến đầu tư giữa địa phương và Trung ương.

    Theo Quy chế về xây dựng và thực hiện Chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia, tới ngày 20/8/2007, các địa phương sẽ phải gửi đề xuất của mình. Có ý kiến e ngại rằng, các địa phương sẽ trông vào nguồn ngân sách hỗ trợ này?

    Hoạt động này không có nghĩa là các địa phương không có chương trình riêng của mình. Các địa phương không thể chỉ trông chờ vào Chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia, vì chương trình này chỉ nhằm vào các dự án lớn, phục vụ các quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, đặc biệt là tập trung hỗ trợ các địa phương, địa bàn khó khăn như miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên. Vừa qua, những địa phương đã tự lập rồi thì sẽ tiếp tục chủ động thực hiện công tác xúc tiến đầu tư của mình. Việc lựa chọn các đề xuất của địa phương tham gia vào Chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia sẽ do một hội đồng thẩm định lựa chọn theo nguyên tắc hài hoà dựa trên sự điều phối chung, tránh những trường hợp trùng lắp, lãng phí.

    Còn kế hoạch thành lập các bộ phận xúc tiến đầu tư tại các địa bàn trọng điểm đã được bắt đầu chưa, thưa ông?

    Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và Bộ Ngoại giao đã thống nhất trong việc định ra tiêu chuẩn cán bộ, hình thức hoạt động của bộ phận này. Theo kế hoạch, trong năm nay, một số bộ phận xúc tiến đầu tư sẽ được thiết lập ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, San Francisco (Mỹ) và ở Trung Ðông. Ngoài ra, các bộ phận này ở Washington D.C (Mỹ) và Ðài Loan vẫn tiếp tục duy trì hoạt động.(Báo Đầu tư)