Để các doanh nghiệp tránh rủi ro trong xuất khẩu cần phải am hiểu “luật chơi”
Lâu nay, các doanh nghiệp Việt Nam hay dùng thuật ngữ “Xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản” nhưng thật ra là do doanh nghiệp không tuân thủ đúng các quy định, yêu cầu và cam kết về chất lượng sản phẩm, quy cách đóng gói, ghi nhãn mác bao bì… theo luật chơi quốc tế.
Trong các lô hàng của Việt Nam bị Hoa Kỳ trả về, ngoài việc một số lô vi phạm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì có sản phẩm bị trả về với nguyên nhân không ghi đầy đủ thành phần nguyên liệu tạo ra sản phẩm và không cung cấp nguyên liệu tạo ra sản phẩm và không cung cấp những thông tin về dinh dưỡng và chất béo.
Thực chất, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ nắm được thông tin chung chung khi xuất khẩu ra thị trường thế giới là cắt giảm thuế quan; xoá bỏ các hàng rào phi thuế quan như hạn ngạch, cấp phép xuất nhập khẩu; xoá bỏ trợ cấp; mở cửa thị trường; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng đối với cả doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua các quy chế tối huệ quốc; quy chế đối xử quốc gia; hàng hoá phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường… Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn quá thiếu thông tin về những quy định, những điều khoản cụ thể của những định chế quốc tế trên.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do các doanh nghiệp Việt Nam thường sản xuất sản phẩm dùng cho thị trường nội địa nhưng đồng thời cũng xuất khẩu qua nhiều thị trường quốc tế khác, trong khi khoảng cách yêu cầu, quy định giữa nội địa và quốc tế còn rất xa, thậm chí khác biệt. Một khi xác định là đưa sản phẩm, thương hiệu ra quốc tế thì bản thân doanh nghiệp không chỉ có chiến lược, khát vọng chinh phục mà phải có những sản phẩm, chứng chỉ… đạt chuẩn quốc tế như trong ngành thực phẩm có Eurograp (Chứng chỉ về chất lượng), Haccap (Chất lượng sản phẩm an toàn, vệ sinh đạt chuẩn quốc tế), Halal (Chứng nhận cho phép sử dụng sản phẩm trong cộng đồng hồi giáo quốc tế). Đa số các doanh nghiệp chưa có thói quen chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, trau dồi kiến thức về các chính sách pháp luật liên quan đến công việc kinh doanh (thậm chí ngay cả những quy định trong nước).
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, một phần do thiếu các hoạt động phổ biến, tuyên truyền thông tin, đào tạo doanh nghiệp khi hội nhập quốc tế; một phần do các hoạt động kể trên còn đơn điệu, hình thức, thiếu tính thiết thực và chưa hấp dẫn. Trong khi đó, kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, việc tuyên truyền, đào tạo doanh nghiệp được họ tiến hành từ 4-5 năm trước khi gia nhập WTO.
Lẽ tất nhiên khi hiểu biết mù mờ, hạn chế về luật chơi thì sẽ lúng túng, bị động trong cách chơi và dễ bị đối tác qua mặt, dẫn đến thua thiệt trong cạnh tranh quốc tế. Điều này một mặt thể hiện qua các vụ việc liên quan tới tranh chấp thương mại, pháp lý mang tính quốc tế giữa doanh nghiệp nước và và phía nước ngoài thời gian qua, phần thua thiệt thường nghiêng về phía các doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn như các vụ tranh chấp về thương hiệu, bán phá giá, hợp đồng kinh tế… Đơn giản hơn là bị trả về do ghi sai nhãn mác.
Như vậy, các doanh nghiệp phải nắm vững những luật chơi quốc tế để chủ động ứng phó trong cuộc đua mới. Tuy nhiên, việc tìm lời giải cho bài toán này một mình doanh nghiệp không đảm đương nổi, mà cần phải có sự phối hợp từ phía Nhà nước. Theo đó, Chính phủ cần xem xét về tài chính và kỹ thuật để thiết lập các trung tâm thông tin về hỗ trợ thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời cần chuẩn bị kế hoạch về nhân lực, vật lực. Đối với doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu các quy định của luật pháp trong nước và quốc tế liên quan tới lĩnh vực hoạt động của mình, từ đó chủ động xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh và phòng ngừa rủi ro. (Thương Mại)