Công cụ làm việc cá nhân


    HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

    • Send this page to somebody
    • Print this page

    Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam viết về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam : "Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

     I. ĐẢNG CỘNG SẢN

    Thực tế, từ khi thành lập năm 1930 đến nay, ĐCS Việt Nam đã tổ chức và lãnh đạo xã hội thực hiện mọi thắng lợi của dân tộc Việt Nam. Năm 1945, ĐCS lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng tháng 8 chấm dứt ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (là nước CHXHCN Việt Nam ngày nay). Năm 1954, sau 9 năm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp thắng lợi, Đảng đã giành sự kiểm soát hành chính trên một nửa nước Việt Nam. Từ năm 1954 đến 1975 ĐCS đã lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chế độ mới ở miền Bắc, thực hiện cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ trên cả nước và giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975, thống nhất đất nước năm 1976. Năm 1986 ĐCS đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc Đổi mới đạt được nhiều thắng lợi to lớn, sau 10 năm đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội, bước vào thời kỳ mớiđẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

    ĐCS Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Cơ quan quyền lực cao nhất là Đại hội toàn quốc 5 năm một lần. Đại hội bầu ra Ban chấp hành Trung ương. BCH TW bầu ra Bộ chính trị và Tổng Bí thư. Trước đây chức vụ cao nhất trong Đảng là Chủ tịch Đảng (do Hồ Chí Minh đảm nhận). Tổng Bí thư đầu tiên của ĐCS Việt Nam là ông Trần Phú. Tổng Bí thư hiện nay là ông Nông Đức Mạnh. Mọi công dân Việt Nam nếu tự nguyện gia nhập ĐCS và nếu tổ chức Đảng thấy có đủ tiêu chuẩn thì sẽ làm lễ kết nạp. Tuy nhiên, người Đảng viên mới đó phải trải qua một thời kỳ thử thách, ít nhất là một năm, mới có quyền biểu quyết, bầu cử và ứng cử trong Đảng. ĐCS Việt Nam đã trải qua 10 lần đại hội. Đại hội X diễn ra vào tháng 4/2006. Hiện nay Đảng có hơn hai triệu đảng viên.

    II. HỆ THỐNG NHÀ NƯỚC

    1. Quốc hội:

        Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    a) Nhiệm vụ:

        Lập hiến, lập pháp; giám sát, quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, những nguyên tắc chủ yếu của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.

    b) Nhiệm kỳ của Quốc hội: 5 năm, hoạt động thông qua kỳ họp 1 năm 2 lần. Ngoài ra, nếu ủy ban Thường vụ Quốc hội xét thấy cần thiết hoặc do yêu cầu của Chủ tịch nước, Thủ tướng hoặc 1/3 tổng số đại biểu thì Quốc hội sẽ họp đột xuất.

    c) Đại biểu Quốc hội: Là công dân Việt Nam, từ 21 tuổi trở lên, có phẩm chất, trình độ, năng lực, được cử tri tín nhiệm bầu ra.

        - Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tham gia các kỳ họp Quốc hội, có quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội, có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

        - Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri.

    d) Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội: Là đại biểu Quốc hội do Quốc hội bầu ra vào kỳ họp đầu tiên của mỗi khóa Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội là người giúp việc cho Chủ tịch theo sự phân công của Chủ tịch.

    e) Ủy ban thường vụ Quốc hội: Là cơ quan thường trực giữa hai kỳ họp của Quốc hội.

        - Có quyền về hoạt động giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội ; giám sát hoạt động của Chính phủ, Toà án Tối cao, Viện Kiểm sát tối cao.

        - Chuyên ban hành Pháp lệnh, giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

    g) Hai hội đồng của Quốc hội là: Hội đồng Quốc phòng-An ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch, Thủ tướng làm Phó chủ tịch và 4 ủy viên. Hội đồng Dân tộc gồm 1 Chủ tịch và 38 thành viên.

    h) Ủy ban chức năng của Quốc hội: Gồm các ủy ban Pháp luật; ủy ban Kinh tế và Ngân sách; ủy ban Quốc phòng và An ninh; ủy banVăn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; ủy ban Các vấn đề xã hội; ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; ủy ban Đối ngoại.

    2. Chủ tịch nước:

        Là người đứng đầu Nhà nước, được Quốc hội bầu từ các đại biểu Quốc hội để thay mặt nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về mặt đối nội và đối ngoại.

        Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam ghi rõ Chủ tịch nước có 12 quyền hạn, trong đó quan trọng nhất là:

        - Công bố hiến pháp, luật, pháp lệnh.

        - Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

        - Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Toà án tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao.

        Giúp việc Chủ tịch nước có: Phó Chủ tịch nước, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Chủ tịch nước.

        + Phó Chủ tịch nước: Do Chủ tịch đề nghị, Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội; Phó Chủ tịch giúp Chủ tịch nước làm nhiệm vụ và có thể được Chủ tịch ủy quyền làm một số nhiệm vụ hoặc làm quyền Chủ tịch.

        + Hội đồng Quốc phòng và An ninh: Có nhiệm vụ động viên mọi lực lượng và khả năng của nước nhà để bảo vệ Tổ quốc. Hội đồng Quốc phòng và An ninh do Chủ tịch nước đứng đầu gồm Phó Chủ tịch nước và các thành viên do Chủ tịch nước giới thiệu và Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn.

    3. Chính phủ:

        - Là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

        - Chính phủ chịu sự giám sát và thực hiện chế độ báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.

        - Chính phủ gồm: Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

        - Thủ tướng do Chủ tịch nước giới thiệu, Quốc hội bầu ra và bãi miễn trong số các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 5 năm.

        - Các Phó Thủ tướng do Thủ tướng đề nghị Quốc hội phê chuẩn, là người giúp việc cho Thủ tướng và được Thủ tướng ủy nhiệm khi Thủ tướng vắng mặt.

        - Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ do Thủ tướng đề nghị Quốc hội phê chẩn, đảm nhiệm chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác được giao.

    4. Toà án Nhân dân tối cao:

        - Là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

        - Gồm Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, hội thẩm, thư ký toà án.

        - Cơ cấu gồm: Hội đồng Thẩm phán, Ủy ban Thẩm phán, Toà án Quân sự Trung ương và các toà Hình sự, toà Dân sự, toà Phúc thẩm, bộ máy giúp việc.

        - Nhiệm kỳ là 5 năm.

        - Chánh án Toà án Nhân dân tối cao do Quốc hội bầu và bãi miễn; Phó Chánh án, Thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm, bãi miễn theo đề nghị của Chánh án. Hội thẩm nhân dân Toà án tối cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử theo sự giới thiệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

        - Xét xử công khai, độc lập, chỉ tuân theo pháp luật.

        - Xét xử tập thể, có hội thẩm nhân dân tham gia, quyết định theo đa số.

        - Đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật, bị cáo được quyền mời luật sư bào chữa, quyền được dùng tiếng nói, chữ viết riêng.

    5. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao:

        Kiểm tra việc tuân theo pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang, công dân ; thực hành quyền công tố bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

        Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao gồm:

        + Viện trưởng: do Chủ tịch nước đề nghị, Quốc hội bầu và bãi miễn.

        + Các Viện phó, các kiểm sát viên và các điều tra viên: do Chủ tịch nước bổ nhiệm và bãi miễn theo đề nghị của Viện trưởng.

    6. Tổ chức bộ máy cấp địa phương:

    a) Hội đồng nhân dân:

        - Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

        - Hội đồng nhân dân huyện.

        - Hội đồng nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận.

        - Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn.

    b) Ủy ban nhân dân:

        - Tỉnh và cấp tương đương: gồm các sở, các ủy ban, các cơ quan khác thuộc Ủy ban nhân dân và văn phòng Ủy ban nhân dân.

        - Huyện và cấp tương đương: gồm các phòng, ban, các cơ quan khác thuộc Ủy ban nhân dân và văn phòng Ủy ban nhân dân.

        - Xã và cấp tương đương: các ban và văn phòng.

    c) Toà án nhân dân địa phương:

        - Toà án tỉnh và cấp tương đương.

        - Toà án nhân dân huyện.

    d) Viện kiểm soát nhân dân địa phương: Gồm cấp tỉnh và huyện.

    III. MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

        Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức Nhà nước.

        Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả.

    IV. CÔNG ĐOÀN

        Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, Công đoàn chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    V. CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI KHÁC

        Ngoài Mặt trận Tổ quốc và Công đoàn, ở Việt Nam hiện đang tồn tại một số tổ chức chính trị, xã hội khác như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, các hiệp hội theo ngành nghề. Các tổ chức này đã đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Trong công cuộc Đổi mới và công nghiệp hoá, hiện đại hoá, các tổ chức xã hội này đang góp phần quan trọng đưa các chính sách của Đảng và Chính phủ Việt Nam vào cuộc sống.

    Tạo bởi songhong
    Cập nhật 10-09-2007